Thời gian gần đây thường xuyên xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em. Vấn đề này đang thật sự là nỗi ám ảnh, day dứt của các bậc phụ huynh từng có con em tử vong bởi nguyên nhân trên và là nỗi lo chung cho bất cứ cha mẹ nào chưa trang bị cho các cháu những kỹ năng cần thiết về phòng, chống tai nạn do đuối nước.
Theo số liệu thống kê, ở nước ta trung bình mỗi năm có hơn 2.000 trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước, chiếm tỷ lệ nhiều nhất là độ tuổi từ 0 - 4. Số liệu này so với giai đoạn từ năm 2001 - 2010 đã giảm đáng kể nhưng vẫn còn cao nhất khu vực Đông Nam Á và theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới - WHO thì tỷ lệ đuối nước ở trẻ em Việt Nam đứng thứ 2 thế giới, ngay sau Bangladesh.
Cụ thể, từ đầu năm 2019 đến nay, nước ta đã xảy ra không ít những vụ tai nạn đuối nước thương tâm. Đơn cử vào khoảng 15 giờ ngày 25/3, tại thôn Nhơn Tân, xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, một nhóm học sinh gồm 7 em, độ tuổi 12 đến 13, học sinh trường THCS Đăk Ta Ley rủ nhau ra tắm ở hồ tưới cà phê. Trong lúc tắm, hai em Trần Minh Vũ, học sinh lớp 6A và em Đặng Ngọc Hải, lớp 7A bị trượt chân vào chỗ nước sâu và đuối nước, các em còn lại hoảng hốt chạy đi tìm người đến cứu. Khi người lớn đến nơi, vớt được Vũ và Hải thì cả hai đã tử vong. Trước đó, trưa ngày 11/3, sau khi đi học về một nhóm học sinh cùng trú làng Greo Pết, xã Dun, huyện Chư Sê rủ nhau đi tắm tại một ao chứa nước trong làng. Do bất cẩn, hai anh em sinh đôi Siu Lan Quyết và Siu Lan Quý, sinh năm 2014, học sinh trường mẫu giáo Bằng Lăng cũng bị đuối nước. Thấy vậy, em Siu Nội, sinh năm 2012, học sinh trường THCS Ngô Quyền lao xuống cứu hai em nhưng bất thành. Hậu quả là cả ba em đều tử vong tại chỗ và còn nhiều vụ tai nạn đuối nước đáng thương tâm khác .
Từ thực trạng đáng báo động nêu trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg, ngày 16/5/2016 về “tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em”; đồng thời Ủy ban quốc gia về trẻ em cũng ban hành văn bản số 1123/UBQGTE, ngày 21/3/2019 về việc “tăng cường các biện pháp phòng, chống đuối nước trẻ em” và Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành công văn số 1564/BGDĐT-GDTC, ngày 12/4/2019 về “tăng cường các giải pháp phòng, chống tai nạn đuối nước học sinh, sinh viên dịp hè năm 2019”…

Về phía ngành giáo dục địa phương, hết sức quan tâm, lo lắng đến vấn đề tai nạn do đuối nước gây ra đối với học sinh, nhất là những dịp hè về và đã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Văn hóa - Thông tin - TDTT, Huyện đoàn huyện ban hành kế hoạch số 24/KHPH, ngày 29/6/2018 về “phối hợp tổ chức phổ cập bơi lội, phòng, chống đuối nước trên địa bàn huyện Trần Văn Thời”, nhằm mục đích kéo giảm tối thiểu số vụ tai nạn này, từ đó tạo sự yên tâm cho các bậc phụ huynh. Bên cạnh đó lãnh đạo phòng còn chỉ đạo các trường trực thuộc tích cực tuyên truyền sâu rộng cho các em thấy được hậu quả nghiêm trọng của tai nạn đuối nước; đồng thời vận động, khuyến khích các em tập bơi để bảo vệ tính mạng cho mình khi không may bị rơi xuống những chỗ nước sâu.
Huyện Trần Văn Thời là một huyện thuộc vùng sông nước, kênh rạch chằng chịt thì thiết nghĩ các bậc phụ huynh cần trang bị cho con em mình những kĩ năng cơ bản về phòng, chống đuối nước. Cụ thể là hướng dẫn các em tập bơi, hoặc đăng kí học bơi tại một số hồ bơi nhân tạo (như hồ bơi trong trường Tiểu học 1 thị trấn, hồ bơi trong sân vận động huyện…).
Những ngày hè đang diễn ra, nguy cơ xảy ra các vụ đuối nước cao hơn bao giờ hết, luôn tiềm ẩn những hậu quả khó lường trước được. Trong khi vẫn còn nhiều em chưa biết bơi, do đó cha mẹ cần quan tâm nhiều hơn đến con em mình và các thầy cô cũng cần nhắc nhở học sinh chưa biết bơi không nên rủ nhau đi tắm, hoặc chơi đùa ở gần khu vực sông, hồ, nhằm hạn chế thấp nhất những rủi ro đáng tiếc.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http:// là vi phạm bản quyền